Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Chia sẻ bên lề hội nghị tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu diễn ra tại Hà Nội ngày 14/9, ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết nhiều loại thuốc đông dược bị phát hiện trộn cả tân dược. Người dùng thường cho rằng thuốc đông y có nguồn gốc từ thiên nhiên nên không độc hại, hiệu quả điều trị được lịch sử chứng minh, ít tác dụng phụ nên nhu cầu sử dụng rất lớn, giá thành rẻ hơn tân dược. Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người muốn khỏi bệnh nhanh trong khi thuốc đông dược để có hiệu quả phải uống chục thang, nên một số người trộn lẫn tân dược vào đông dược.

Theo ông Lâm, trước đây cơ quan chức năng phát hiện có loại thuốc đông y trộn một loại thuốc tây y, gần đây có thuốc trộn đến 3-4 loại tân dược. Ví dụ, thuốc đông dược có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau thì trộn paracetamol; thuốc chữa khớp, còi xương, suy dinh dưỡng, kém ăn trộn corticoid…; thuốc chữa gút, huyết áp cũng trộn tân dược.

“Điều này cực kỳ nguy hiểm vì dùng thuốc tân dược phải theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng theo liều lượng nhất định. Trộn tân dược vào đông dược sẽ gây nên quá liều, nếu dùng thuốc có chứa corticoid có thể gây suy thận. Về nguyên tắc, các thuốc corticoid khi dùng phải giảm dần liều, dừng đột ngột cũng nguy hiểm không kém”, ông Lâm nhấn mạnh.

Mỗi năm Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy khoảng 7.000 mẫu đông dược để kiểm nghiệm, kết quả khoảng 9-10% nghi ngờ chất lượng có vấn đề. Khoảng 1% mẫu dược liệu không đạt hàm lượng hoạt chất, có thể đã bị chiết xuất, đã qua sử dụng hoặc không đảm bảo quy trình nuôi trồng, thu hái.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam chưa có chuẩn định lượng chất lượng dược liệu nên rất khó định lượng được hàm lượng chất trong thành phần dược liệu. Về nguyên tắc, dược liệu không chỉ sạch mà còn phải đảm bảo nồng độ hoạt chất nhất định.

Lợi nhuận của kinh doanh dược liệu rất cao nên tình hình buôn lậu đang diễn ra rất phức tạp; đặc biệt là vận chuyển trái phép qua biên giới. Cơ quan chức năng cũng phát hiện tình trạng trộn lẫn dược liệu nhập lậu với loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Dược liệu không đảm bảo chất lượng và đảm bảo chất lượng tràn vào các cơ sở khám chữa bệnh. 

Hàng năm, nước ta sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó 85% sản phẩm nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dược  và ban hành gần 10 Thông tư để quản lý tốt hơn chất lượng dược liệu cũng như thuốc cổ truyền.

Phương Trang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật trong tuần

Bài viết phổ biến