Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Bệnh nhân người Thanh Hóa, mắc bệnh Melioidosis (Whitmore), là ca nặng nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). “Trường hợp này tiên lượng tử vong trên 90% vì phát hiện bệnh ở giai đoạn quá muộn, nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân từ 70 kg sụt cân nhanh còn 40 kg”, tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

no-luc-con-nuoc-con-tat-cua-bac-si-cuu-chang-trai-tre-mac-benh-whitmore

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: N.P.

Các bác sĩ quyết định "còn nước còn tát", quyết tâm cứu bệnh nhân bằng mọi giá. Các bác sĩ đặt nội khí quản, xử trí sốc nhiễm khuẩn, phối hợp nhiều kháng sinh liều cao, truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Đến nay sau hơn một tháng, bệnh nhân đã hết sốt, phổi cải thiện, được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị và bồi dưỡng sức khỏe.

Trước đó hơn 2 tháng, bệnh nhân có biểu hiện sưng đau khớp gối, châm cứu hơn một tuần không đỡ. Anh Thêm đến bệnh viện tỉnh khám và được chẩn đoán viêm khớp gối do nhiễm khuẩn. Điều trị 10 ngày không hết, anh được chuyển tiếp đến khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai ngày 8/9. Bác sĩ hội chẩn nhiều lần nhưng không phát hiện ra nguyên nhân nên bệnh nhân được điều trị tiếp theo phác đồ bệnh khớp. Sau 3 ngày không tiến triển, anh được chuyển sang khoa Truyền nhiễm. Tại đây phải cấy máu đến 3 lần, bác sĩ mới phát hiện bệnh nhân bị Whitmore, khi đó bệnh đã rất nặng.

Từ đầu năm tới nay, khoa Truyền nhiễm cũng đã tiếp nhận hơn 10 ca Whitmore. Bệnh do trực khuẩn B.pseudomallei gây ra, không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và dễ bị chẩn đoán nhầm sang viêm phổi, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết…

Theo tiến sĩ Cường, bệnh tiến triển nhanh và có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện. Tỷ lệ tử vong khoảng 40-60%, điều quan trọng bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị theo phác đồ.

Whitmore không phải bệnh mới và hiếm gặp mà bị "bỏ quên" trong cộng đồng. Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936. Trong 10 năm nghiên cứu từ 1992-2003, Bệnh viện Bạch mai tiếp nhận 44 ca bệnh, trong đó chỉ có duy nhất có một bệnh nhân tiếp xúc với đường xâm nhập rõ ràng do sặc bùn.

Bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân có tiền sử bệnh mãn tính như thận, đái tháo đường..., thường xuyên tiếp xúc với đất, nếu có biểu hiện sốt liên tục, nhiễm trùng kéo dài nên nghĩ đến Whitmore.

Phương Trang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật trong tuần

Bài viết phổ biến