Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết số trẻ đến viện điều trị lõm ngực có xu hướng tăng cao. Năm ngoái bệnh viện phẫu thuật khoảng 50 ca, còn từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 80 trường hợp. 

Các trường hợp có chỉ định phẫu thuật, nếu để lâu ngực sẽ lõm quá mức gây chèn ép tim phổi, trẻ khó thở và có thể dẫn đến dị tật ở tim. Ngoài ra, trẻ lõm ngực thường ngại ngần khi ở trần, đi tắm biển..., ảnh hưởng tâm lý. Khả năng vận động cũng bị cản trở do hơi thở ngắn khiến trẻ mau mệt. 

Một bệnh nhi ngực lõm sâu gây cản trở hô hấp khiến các bác sĩ phải quyết định phẫu thuật khi 5 tuổi. Ảnh: Lê Phương.

Một bệnh nhi ngực lõm sâu gây cản trở hô hấp khiến các bác sĩ phải quyết định phẫu thuật khi bé 5 tuổi. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết tỷ lệ trẻ bị dị tật lõm lồng ngực tương đối cao. Thống kê ở Mỹ, khoảng 300-400 trẻ sinh ra thì có một mắc bệnh, tỷ lệ nam/nữ là 3:1. Đây là dị tật bẩm sinh nhưng thường tiến triển theo giai đoạn phát triển xương của trẻ. Trẻ khoảng 1-2 tuổi các bất thường mới bắt đầu xuất hiện. 

Độ tuổi phẫu thuật tốt nhất theo khuyến cáo là từ 7 đến 15 tuổi. Ở tuổi này, xương sườn đủ độ ổn định, lồng ngực đủ phát triển để đặt thanh nâng. Sau đó khoảng 3 năm khi lồng ngực chắc chắn thì bệnh nhân được mổ rút thanh nâng. Giai đoạn này xương của trẻ còn đàn hồi, vùng ngực lõm dễ nắn chỉnh và cải thiện tốt sau mổ hơn so với khi quá lớn tuổi.

"Trường hợp lõm sâu, nếu không mổ sớm sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hô hấp, vận động, tim phổi... Trẻ được khám lâm sàng kết hợp các chẩn đoán hình ảnh như CT, đo điện tâm đồ, siêu âm để quyết định có can thiệp sớm hay không", bác sĩ Minh chia sẻ. Trẻ trước 7 tuổi khung xương giữa xương sườn và xương ức chưa phát triển ổn định. Nếu bắt buộc phải mổ cho trẻ thì khoảng một đến một năm rưỡi khi xương sườn phát triển nhiều phải mổ rút thanh nâng. Trường hợp ngực trẻ vẫn còn lõm thì phải mổ thêm lần nữa để đặt thanh khác.

Tình trạng cải thiện rõ rệt sau khi trẻ mổ đặt thanh nâng. Ảnh: Lê Phương.

Tình trạng lõm ngực cải thiện rõ rệt sau khi trẻ được mổ đặt thanh nâng. Ảnh: Lê Phương.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ lõm ngực nên được khám chuyên khoa để xác định hướng can thiệp. Nếu không cần phải phẫu thuật gấp, bác sĩ giúp trẻ cách tập luyện, hỗ trợ tâm lý trong thời gian chờ đến tuổi mổ tốt nhất. Nên cho trẻ đi bơi để giúp giãn nỡ lồng ngực, hô hấp tốt hơn.

Lê Phương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật trong tuần

Bài viết phổ biến