Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

*Độc giả gửi câu hỏi tại đây*

Mùa hè là thời gian cao điểm bùng phát dịch sởi và thủy đậu. Đây cũng là lúc cha mẹ lo lắng không yên khi trẻ chuẩn bị tựu trường bắt đầu năm học mới, dễ lây nhiễm từ các bạn mắc bệnh. 

Trẻ em là đối tượng bị siêu vi Varicella Zoster Virus (VZV) gây bệnh thủy đậu và siêu vi nhóm Paramyxovirus gây sởi tấn công mạnh mẽ nhất do sức đề kháng yếu. Hai bệnh “siêu lây nhiễm” qua đường hô hấp (nói chuyện, ho, hắt hơi, nhảy mũi...) và dễ bùng phát thành dịch. Thủy đậu thậm chí còn lây lan qua việc đụng chạm ban ngứa từ người mắc bệnh. Số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tính riêng 3 tháng đầu năm 2016 đã có 4.000 trường hợp mắc thủy đậu trên cả nước.

Thủy đậu ủ bệnh 10-15 ngày, nhiều cha mẹ không biết bé nhiễm siêu vi cho đến khi khởi phát đột ngột với nhiều nốt ban gây ngứa, lan từ thân lên cổ, mặt và tứ chi. Trong vòng 7-10 ngày, nốt ban sưng đỏ chuyển sang phồng rộp chứa dịch (mụn nước), rồi khô và đóng vảy. Mụn nước có thể xuất hiện trong miệng, da đầu, quanh mắt hoặc bộ phận sinh dục. Khoảng 90% người chưa từng bị thuỷ đậu sẽ mắc nếu tiếp xúc với thành viên nhiễm bệnh trong gia đình. Mặc dù là bệnh lành tính, song thủy đậu có thể để lại một số biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương khớp..., thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Một bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.Phương.

Một bệnh nhi mắc sởi điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.Phương.

Bệnh sởi cũng không kém phần nguy hiểm với triệu chứng đặc trưng là sốt cao, có khi đến 40 độ, viêm đường hô hấp và phát ban. Mắt bị đỏ, chảy lệ rồi biến chứng nặng lên thành viêm kết mạc. Trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều có thể dẫn tới viêm thanh quản, mất tiếng, đau họng khi nói. Khám trong miệng thấy xuất hiện các chấm trắng nhỏ li ti là lúc bệnh dễ lây nhất. 

Thời kỳ này kéo dài 3-4 ngày, các ban sởi mọc lan rất nhanh từ tai xuống ngực, bụng, lưng, chân. Ban sởi thường có màu đỏ, to 1-1,5mm nhưng không ngứa. Trẻ liên tục bị sốt hành hạ. Nếu nặng có thể biến chứng thành tiêu chảy, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm giác mạc, viêm não dễ dẫn đến tử vong. 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sởi sẽ mắc bệnh nếu chưa chích ngừa. Hầu hết trường hợp tử vong thường không phải do virus sởi mà do biến chứng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, phụ huynh cần ngăn ngừa các nguy cơ mắc bệnh sởi và thủy đậu cho bé bằng vắc-xin, vệ sinh tay chân miệng, rèn luyện thói quen sống hợp vệ sinh... Khi trẻ nhiễm bệnh phải được khám và điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng nguy hiểm, tăng cường sức khoẻ bằng chế độ ăn uống phù hợp. Các biện pháp cụ thể sẽ được Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn tư vấn vào 15h ngày 25/7 trên báo điện tử VnExpress.

polyad

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và điều trị bệnh nhi. Ông hiện làm việc tại Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM và  khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), đồng thời giữ vai trò Tổng thư ký Chi hội Tiêu hóa Gan mật Nhi Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhi khoa TP HCM và Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhi khoa Việt Nam.

Trong 5 năm học tập tại Nhật Bản, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn từng được Hội nghị Bệnh lý nhiễm trùng Nhi khoa Nhật Bản lần thứ 36 trao giải thưởng cho bài phát biểu nghiên cứu xuất sắc năm 2004. Ông là tác giả và đồng tác giả của 34 bài báo quốc tế và 20 bài báo trong nước về các đề tài nhi khoa..

An San

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin nổi bật trong tuần

Bài viết phổ biến